Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

CHUYỆN VUI (Sưu tầm)



1. Nơi em sanh ra con em …?

Trong một quán cà phê, nhạc nhẹ nhàng, du dương, cảnh trí đầy thơ mộng, có 3 ông lão và một cô gái khá trẻ rất hấp dẫn. Vì quán đông nên dù cô gái không quen biết với 3 lão nhưng vẫn phải ngồi cùng một bàn.
Chỉ một lúc sau, cả 4 người cùng nói chuyện rất vui vẻ, tự nhiên, chuyện trên trời, dưới biển ...và cuối cùng chuyển sang chuyện ái tình. 
Bỗng nhiên, cô gái trẻ đề nghị:
- Nếu mỗi người các anh đưa em 1 đô la thì em sẽ cho các anh thấy chân em. 
Ba ông lão bị mê hoặc bởi cô gái trẻ, nên tất cả đều lấy ra mỗi người một đô la đưa cho cô gái và sau đó cô gái kéo váy lên một ít để cho thấy cặp chân trắng toát của nàng.
Tiếp đó, cô nàng lại nói:
- Nếu mỗi người trong số quý anh đưa em 10 đô la, em sẽ cho các anh thấy đùi em.   
Các ông vẫn cứ hăm hở móc ví nghe theo, cả 3 lão đều lôi ra tờ 10 đô la đưa cho cô gái. 
Cô gái kéo hết váy cho đến đồ lót. Cuộc nói chuyện vẫn tiếp tục và 3 lão không biết tại sao, tất cả đều cởi áo khoác ngoài dù trời khá lạnh. 
Sau đó cô gái trẻ lại nói:
- Nếu mỗi người các anh đưa em 50 đô la thì em sẽ cho các anh thấy nơi em đã... sanh ra con em!
Đang hứng khởi, háo hức, trong lòng đầy hy vọng do bản năng nhạy cảm, ba ông lão hí hửng, nhất tề đồng loạt giao ngay cho cô gái  mỗi người $50.  
Sau khi nhận tiền xong, cô gái tủm tỉm tươi cười quay qua cửa sổ và chỉ tay sang bảo sanh viện ở bên kia đường, nói:
- Nơi em sanh ra con em là ở đó đó..! Hi..hi..hi…!!!


 2. Thư gửi má vợ


Thưa má, trước hết con xin cám ơn má vì đã sinh ra và dày công nuôi nấng đằng đẵng hai mươi mấy năm trời con gái của má, để rồi sau đó ưng thuận gả cho chàng rể hiền lành là con đây. 

Nhớ ngày bước chân lên xe hoa, vợ con khóc rấm rứt khiến phấn son nhòe nhoẹt. Y chang với câu thành ngữ “Khóc như thiếu nữ ngày vu quy”, khiến nhiều người đưa dâu cũng mủi lòng “rưng rưng ngấn lệ” ăn theo. Thời gian đầu, sau khi mới về nhà chồng, vợ con ra vẻ “mèo nhỏ” nhu mì, ngây thơ tựa như “con nai vàng ngơ ngác”. Nhưng má ơi! niềm vui và hạnh phúc ấy chưa tày gang tấc, thì “bão” đã ập tới, để rồi cái vụ rơi lệ sau đám cưới đã chuyển hệ sang cho con. 
 Má đâu có biết rằng, “con mèo nhỏ” giờ đây đã đột biến gien hóa thành “gấu mẹ vĩ đại”. “Con nai vàng ngơ ngác” ngày nào đã không còn nữa, mà hiện hình thành “sư tử Hà Đông” cực kỳ đáng sợ. Lúc nhỏ, má đẻ của con dạy: “Phải luôn thành thật với mọi người”, con đã tuân giữ điều ấy cho đến khi lớn khôn. Nhưng má ôi, sau khi cưới vợ rồi, con không thể thực hành lời dạy ấy được, vì vợ con không bao giờ biết chấp nhận “sự thật mất lòng”. 
 Lần gần đây nhất, vợ con hỏi ý kiến về bộ đồ mới mua về. Con dại mồm dại miệng nhận xét: “Trông không hợp với dáng em, màu sắc cũng quá lòe loẹt”. Ngay lập tức nhận được “ánh mắt mang hình viên đạn” cùng lời đáp trả: “Đúng là người không có óc thẩm mỹ!”. Những khi muốn mua bất cứ món đồ gì, con cũng chỉ dám nói một nửa giá mà thôi, nếu không muốn bị chê “khôn nhà dại chợ”. Do vậy, để “thần khẩu không hại xác phàm”, con phải thường xuyên nói dối. 
 Tiếng là chủ hộ, nhưng thực tế trớ trêu là toàn quyền quyết định lại nằm trong tay vợ con má ạ! Tiền lương mang về không được thiếu 1 xu. Đi đâu ngoài giờ làm phải báo cáo nơi đến và giờ về. Đi nhậu thì “cấm không được say”; điện thoại lúc nào cũng phải mở, để... nhận chỉ đạo từ xa. 
 Nhà thơ họ Đỗ có nói: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi...”, hình như ông ấy hơi bị lầm rồi, vì hiện tại con có tới 3 bà má lận! 1 là má đẻ, 2 là má vợ và 3 là... “vợ má”. Với má và má đẻ của con thì con có sai sót cũng không bị chấp trách. Nhưng với bà “vợ má” chỉ cần trái ý, lỡ lời là xem như “xong phim”, không bị bầm giập mới là chuyện lạ. 
 Túm lại, con viết thư này nhằm mục đích kêu gọi sự giúp đỡ, ý kiến tư vấn từ nơi má. Má có cách nào để hạn chế bớt sự “tăng trưởng” quá nhanh của vợ con không? Có giải pháp gì để “hoàn nguyên” cô vợ nhu mì như thuở mới về nhà chồng không? Rất mong má kịp thời đưa ra giải pháp, nếu không, rể của má khó sống sót qua hết con trăng này...


                                           (Khuyết danh)
                                     Hiền ơng sưu tầm

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Cơm hay phở...? (Sưu tầm)



 Một hôm, trong bữa cơm, ông chồng thủ thỉ với vợ bằng thơ:
Ăn mãi cơm nhà, ngán tận hông
Thèm sao bát phở quán bên sông
Phở ngon, đậm chất vi dinh dưỡng
Xin phép bà, tôi thử được không?

Bà vợ nghe xong, hiểu ý chồng. Hơi tức tối, nhưng vẫn thủ thỉ lại với chồng:
Cơm nhà còn dẻo trong nồi đồng
Phở chỉ thơm tho mùi viễn vông
Bổ dưỡng gì đâu, toàn bột ngọt
Cơm mình chất lượng lắm nghe ông!

Ông chồng tiếp tục nài nỉ vợ, nhưng lần này kiên quyết hơn:
Cơm nhà lạt lẽo, chẳng say nồng
Phở đấy dẻo dai, đúng ý ông
Thôi cứ để tôi qua nếm thử
Một tô chỉ tốn có vài đồng?

Bà vợ lần này tức ra mặt, nên gằn giọng kiên quyết lại với chồng:
Phở nấu giò heo chưa cạo lông
Ăn vào bệnh chết đó nghe ông?
Ham chi của lạ, mắc vào “Ếch”
Chỉ có cơm nhà, bảo đảm không?

Ông chồng thấy khuyên vợ không có áp phê, nên lớn tiếng hơn:
Nói mãi mà bà chưa chịu thông?
Tôi qua nếm thử chút cay nồng
Rồi mai khi đói dùng cơm lại
Thổi lửa, chung cơm tình vợ chồng.

Bà vợ lần này bốc hỏa thật sự, cơn thịnh nộ “Hoạn Thư” đã đỉnh điểm:
Cơm nhà chán cũng ăn nghe ông?
Đừng có mon men, phở với nồng
Cơm lạt thì bà thêm mắm, muối
Phở kia béo ngọt, cũng là không?

Cha hàng xóm bên nhà nghe được cuộc tranh luận nãy giờ, vội nói sang:
Kề cận bên nhà, tôi cứ trông
Mong rằng nếm thử cơm nhà ông?
Ông chê thì để tôi vài bát!
Tôi nếm thử xem có ngọt không?

Bà vợ cha hàng xóm nghe thế, cũng lên tiếng nói với chồng mình:
Cơm khét nhà người, chi việc ông?
Nhà mình có thiếu cháo cơm không?
Chớ mà ăn vụng, coi chừng đấy?
Bà biết thì roi mây tét mông…

Ông chồng lúc này cũng bực mình lên tiếng:
Cơm khét, cơm khê cũng kệ ông
Đứa nào bước tới, chết nghe không?
Chưa ăn, ông để dành khi đói
Đừng tưởng ông đây, hết mặn nồng?

Bà vợ được thế, nên hù chồng:
Sáng dạ ra chưa, cái bụng ông?
Cơm mình lắm kẻ vẫn đang trông
Cơm nhà thơm phức ra ngoài ngõ
Để hở trộm vào, rinh mất không?

Ông chồng lúc này xuống nước, âu yếm vợ nói ngọt:
Tôi hết thèm rồi, phở với nồng
Cơm mình đậm chất, để cho ông
Từ đây dùng mãi tới đầu bạc
Tôi thử bà thôi có biết không… ./.

                                                (SƯU TẦM)
Hiền Lương sưu tầm đưa lên entry này để các bạn cùng đọc giải trí cho vui



Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Hãy sống bằng TÂM và TÌNH



Người ta khi mới sinh ra đều tốt, "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Rồi sau đó do tác động và ảnh hưởng của môi trường sống và sự tu rèn khiến bản chất biến đổi theo: tốt, xấu, thiện, ác, trung, gian... xuất hiện đan xen nhau.
Nhất thời, người ta mắc sai lầm, nhưng nếu bản chất không xấu họ có thể ăn năn hối hận sửa chữa để trở nên người tốt, thậm chí tốt hơn cả ta. Vì thế, ta nên thương họ, giúp họ chứ không ghét bỏ, xa lánh họ.

Thắng người ta thấy vui. Song cũng có niềm vui lớn hơn, cao thượng hơn, khi ta tự nguyện giúp người khác hơn ta, thắng ta. Để người khác vui và ta cũng vui vì ta đã đem niềm vui đến cho người khác. Thay vì chỉ trích phê phán người khác thì hãy đặt ta vào địa vị và hoàn cảnh của họ xem sao rồi phán xét. Phải luôn cố gắng nhường, nhịn, thậm chí phải nhẫn để tránh làm tổn thương người khác. Làm như thế không chỉ thể hiện sự thương yêu của ta đối với người khác, mà cũng chính là để người khác thương yêu ta.

Muốn mọi người yêu ta thì điều cốt yếu trước hết là ta phải biết yêu mọi người. Nếu biết quan tâm đến người khác thì chỉ vài tháng thôi sẽ nhiều bạn thân với mình hơn mấy năm trời cố tìm mọi cách để người khác yêu mến mình. Đừng mất công để người khác chú ý, quan tâm đến mình mà trước hết hãy chú ý, quan tâm đến người khác.

Trong cuộc sống, ai chẳng có ân và oán. Có ơn thì đền ơn, đó là việc rất dễ làm. Nhưng còn oán? "Oan oan tương báo" sẽ không bao giờ hoá giải được; trái lại, oán hận càng tăng và hậu họa sẽ khôn lường. Để giải oán rất cần đến lòng vị tha, nhân ái. Điều đó khó, song không phải không làm được nếu thật sự tâm ta thiện.

Ở đời, người nào cũng có thể mắc lỗi. Phải biết nhận lỗi và khắc phục. Không nên oán trách buộc tội cho người khác mà hãy cố hiểu và tha thứ cho họ. Tất nhiên, điều này là rất khó, đòi hỏi phải có tâm hồn cao cả và sức tự chủ mạnh mẽ vượt qua mọi tự ái và quyền lợi cá nhân, phải trung thực, trước hết trung thực với chính mình mới làm được.

Đáng lẽ buộc tội, chỉ trích ai thì ta ráng hiểu họ, tìm nguyên nhân hành vi của họ. Đó là cái gốc của tình nghĩa. Đến như Thượng đế còn đợi cho tới khi con người chết đi rồi mới xét công, luận tội. Tại sao chúng ta lại không học sự độ lượng của Ngài giàu thiện tâm khi xét công, luận tội ?

Ở đời, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh rất khác nhau: Giàu nghèo, sang hèn, học vấn cao thấp, uy phong quyền lực, tiểu tốt vô danh... Bất luận là người thế nào cũng có thể so sánh được với nhau bằng một đơn vị chung, đó là  “ tâm ”.

Thiện, ác, chính, tà, trung, gian, tốt, xấu... đều được thể hiện qua tâm. Sướng hay khổ cũng ở tâm. Tâm nhàn thì sướng, tâm không nhàn thì khổ. Chỉ một cái tâm khổ thì dù có bao nhiêu cái sướng khác cũng không bù đắp nổi.

Tâm còn là thước đo để khẳng định giá trị cuộc sống mỗi người. Bất luận đẳng cấp nào, nếu " tâm " thiện là thánh và " tâm" ác là quỷ. "Tâm " không phụ thuộc bởi phú quý, địa vị, chức tước.

Hãy rộng lòng nhân ái vị tha kể cả với những kẻ đã từng gieo thù rắc oán cho ta, hành hạ ta đủ cách. Nếu suy nghĩ ở khía cạnh khác thì vô tình họ đã giúp ta việc rất lớn. Đó là họ kích thích, thôi thúc để vì tự ái và tự trọng buộc ta phải quyết chí vươn lên hơn hẳn con người cũ của ta. Ta được như hôm nay, một phần là nhờ họ.

Vì thế, những ý nghĩ trừng phạt, trả thù tội ác do họ đã gây cho ta là không nên. Ta sống để trở thành người lương thiện chứ không phải sống để gieo thêm tội ác. Đời luôn cần ở ta lòng từ bi bác ái. Vả lại, họ không hoàn toàn là người bỏ đi. Phạm sai lầm không có nghĩa thành vô dụng. Mọi thứ ở đời đều có thể biến đổi và cải tạo được.

Đức Phật đã dạy: " Oán không bao giờ diệt nổi oán, chỉ có tình thương mới hóa giải được thôi ".

Cuộc đời ngắn ngủi, khi nhắm mắt xuôi tay người nào cũng thế, đều chỉ mang theo hai thứ: Phước đức và tội lỗi. Phước đức gắn liền với lời ca ngợi và lòng biết ơn. Tội lỗi đi kèm với sự khinh bỉ và nỗi oán hận. Mọi thứ khác như quyền lực, giầu sang... đều vô nghĩa. Không ai giúp mình, che chở, nâng đỡ và cứu mình bằng chính phước đức  của mình. Cũng chẳng có ai hành hạ và cướp đi của mình tất cả bằng chính tội lỗi của mình. Bởi thế, hãy cố tu rèn tích góp phước đức và loại dần  tội lỗi. Phước đức làm cho con người đáng yêu khi đang sống, đáng kính khi đã chết, còn  tội lỗi thì ngược lại.

Có kẻ rất giầu có, đầy quyền lực mà không được trọng, trong khi có người rất nghèo khó, chẳng chút uy quyền mà chẳng ai dám khinh. Bởi giá trị hơn kém nhau là ở cái TÂM. Tự đánh giá mình, hay đánh giá người khác đều phải lấy " tâm " làm căn cứ.

Hãy sống với nhau bằng TÂM và đối xử với nhau bằng TÌNH.
" Tâm " lớn thì " tình "  nặng và ngược lại. Hai thứ đó giống như kim cương không chịu tác động bởi thời gian, bởi tiền tài, danh vọng, bởi chức tước, quyền lực... Dù hoàn cảnh khó khăn, thử thách khắc nghiệt thế nào vẫn luôn toả sáng.




Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Bài học về cuộc sống (Sưu tầm)



Khổ luyện mới nên
Hãy nghe một viên sỏi kể về nguồn gốc của mình: “Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đăng đẳng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.
Bạn nghĩ gì khi nghe câu chuyện trên? Cảm thấy lý thú với hành trình của hòn sỏi hay xúc động trước ánh mắt lạc quan của nó đối với cuộc đời đầy biến động?  Đã bao giờ bạn thấy được rằng chính những chông gai mới tạo nên những hình hài đẹp và ấn tượng, dù là hình hài được tạo bởi chính những vết thương và sự đớn đau?
Có thể là bạn, có thể là tôi, cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến nỗi đau, cũng chẳng bao giờ chỉ mang đến niềm hạnh phúc. Vượt qua được gian khổ, vượt qua những cuộc thử thách, vượt qua được những nỗi đau là bạn đã tự làm hoàn thiện chân dung mình. Một câu được đúc kết trong thực tiễn là: Có khổ mới nên người.
Cuộc sống là vô vàn những điều biến động. Vì vậy, cho dù trong khó khăn hay trong hạnh phúc, cũng mong bạn luôn nhớ cuộc hành trình của hòn sỏi để sống tự tin hơn, để mang những yêu thương xoa dịu và làm lành những vết thương. Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ đâu bạn ạ!

Bài học về tự lập từ bé
 Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng; và như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay đơ. Rồi hươu mẹ làm một việc kỳ lạ: đá hươu con cho đến khi nào chú ta chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Đến lúc hươu con đã thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để chú phải nỗ lực tự mình đứng dậy lần nữa.
Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi vì hươu con cần phải tự đứng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không hươu con sẽ trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.
Chúng ta cũng thế, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn. Hãy dạy cho tụi trẻ đức tính tự lập từ bé, đừng nuông chiều quá nó sẽ hư. Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành thầy dạy của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng. Thomas Edison đã nói: "Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ"
                                                                              
chỗ này