Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bài thơ đã tìm được chủ và cảm nhận





Những năm chiến tranh, chúng tôi là sinh viên chuyền tay nhau đọc, ghi lại bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” vào sổ tay yêu thơ mà không biết tên tác giả. Cứ thế, bài thơ được lan truyền rất nhanh chóng trong các bạn sinh viên trong lớp, trong khoa, rồi cả trường, các trường khác. Sức lan tỏa của bài thơ nhanh chóng, có lẽ bài thơ đã “bắt nhịp” con tim tuổi trẻ trước một chuyện tình đẹp đẽ, thánh thiện, lãng mạn nhưng nghiệt ngã và tan vỡ vì chiến tranh. Bài thơ đã chuyển tải được tâm trạng, nỗi lòng đau đớn khôn cùng của người con gái xinh đẹp trước mối tình tan vỡ mà chưa hiểu lý do. Với một tình yêu mãnh liệt, tha thiết, cô gái lang thang đi tìm lại những kỷ niệm của hai người trên bán đảo Ban Căng với hy vọng mong manh là gặp lại người yêu. Nhưng than ôi, “Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng”, “Nhìn theo anh mất hút biết về đâu”…
Bài thơ tuy được người con trai trong chuyện tình viết thể hiện nỗi lòng của người con gái, nhưng đó cũng chính là nỗi lòng của tác giả trong nỗi đau quặn quại, day dứt, đau xé tâm can trước sự tan vỡ của mối tình đẹp đẽ của chính mình.


Trong những năm dài chiến tranh, vì lý do nào đó, bài thơ không được phổ biến. Chúng tôi, sau khi ra trường, mỗi người về công tác mỗi nơi, không có điều kiện gặp nhau và cũng không nhớ đến chuyện tình, không ai nhắc đến bài thơ.

Tình cờ một hôm, tôi đọc được bài viết của nhà báo Thế Lữ - Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nga, khóa 1985 – 1990 -  Giới thiệu bài “Xuất xứ của bài thơ tình “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng””. Tôi mừng quá, thật sự xúc động, bao kỷ niệm một thời trai trẻ lại ùa về trong tôi. Tôi đọc bài thơ mà sao cứ nghẹn ngào, nước mắt cứ dàn giụa, chảy theo từng câu thơ!!!

Theo lời kể của nhà báo Thế Lữ:

Tác giả bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” ông Khổng Văn Đương, sinh năm 1945, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông cũng là nhân vật chính trong chuyện tình bài thơ.

Từ năm 1965, ông Đương học khoa Hóa, trường Đại học Bách Khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Ông Đương quen và yêu cô gái tên là Valentina, nữ sinh trung học Rumani xinh đẹp, thông minh và lãng mạn trong kỳ nghỉ hè tại Biển Đen. Bố mẹ nàng là nhà giáo và rất thương ông Đương cũng như sinh viên Việt Nam du học.

Ở Việt Nam lúc bấy giờ là thời kỳ cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Miền Bắc có phong trào “3 khoan”, thanh niên tạm thời gạt bỏ chuyện yêu đương, tập trung học tập, lao động sản xuất và chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến. Lưu học sinh Việt Nam cũng không ngoại lệ mà phải gạt bỏ chuyện yêu đương, tập trung học tập tốt nhất để trở về xây dựng Tổ quốc. Chuyện tình của ông Đương vỡ lở. Tổ chức Đoàn đã kiểm điểm ông, yêu cầu chấm dứt quan hệ, nếu không sẽ bị trục xuất về nước. Ông Đương đành phải chia tay Valentina! Nàng đã viết thư cho ông với những lời lẽ thống thiết, oán hận, nhưng vẫn le lói hy vọng, đợi chờ. Nhận thư nàng, ông Đương thấy mình có lỗi lớn trước một tình yêu chân thật, trong sáng. Xúc động và đau khổ trước tình yêu của nàng, ông Đương đã viết bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” trong một buổi chiều để chuyển tải tâm trạng giận hờn, oán trách, đau buồn, bi oán của Valentina thể hiện qua bức thư. Đây là bài thơ tình rất hay, lãng mạn, chân thật, trong sáng mà được chính người trong cuộc viết, như tiếng khóc nức nở trước chuyện tình dang dở nên đã được lan truyền trong giới sinh viên rất nhanh. 

Nhờ sự giúp đỡ bạn bè và tài liệu minh chứng, Trung tâm bản quyền Hội nhà văn Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả của bài thơ trên cho ông Khổng Văn Đương. Bài thơ “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng” hơn 40 năm lưu lạc, nay đã tìm được chủ của nó.

Khâm phục, xúc động trước chuyện tình và lời thơ đầy nước mắt, tôi đã sưu tầm và trân trọng giới thiệu tiếp bài thơ với các bạn như một lời cảm ơn đến tác giả  Khổng Văn Đương và nhà báo Thế Lữ.                                                                      Tháng 7/2013




EM ĐI TÌM ANH TRÊN BÁN ĐẢO BAN CĂNG

                                                Khổng Văn Đương


 Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa-nuyp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!

Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát!
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

Con lạy Chúa Giêsu ban phép lạ
Cho nước Người hết li biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hòa tan làm một, ngàn đời!

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...

Vẫn trèo lên đỉnh cao Cac- pát
Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban - căng!

                             Bucarest, 19/3/1969

                           



(Hình có tính chất minh họa. Nguồn: Internet)

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ánh mắt...





 photo et7_lL94DZs3_PTbT2hSgg_zps07630579.jpg





Nghiêng nghiêng vành nón lá

Tà áo tím dài bay

E ấp trong nét ngọc

Thướt tha và đắm say.

Tóc em dài buông xõa

Sức xuân đang căng đầy

Ánh mắt cười xinh thế

Xao xuyến… cả trời mây!
                                  Tháng 6/2013




 photo download_zps772be9ab.jpg




(Hình có tính chất minh hoạ- Nguồn: Internet)

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Tản mạn: Nỗi nhớ








Mưa rã rích nhắc hoài nỗi nhớ

Trời âm u nặng trĩu một màu mây

Đêm xa em sâu thẳm nhớ vơi đầy

Ngày day dứt bao điều thầm mong ước.

Xa nhau thế, đã mấy ngày tuần trước

Mà tưởng chừng như mấy tháng thiết tha!

Anh xa em, ôi nỗi nhớ diết da!

Đêm thao thức, lòng ta giàu mơ ước.

Xa thành phố, ta bạn cùng trăng, nước

Nhưng bâng khuâng, xao xuyến lạ thường

Như thiếu gì trong sâu thẳm tình thương

Ta bỗng thấy muốn quay về gặp lại

Lòng tràn ngập bao nhiêu điều ân ái

Như sợi dây vô hình trói buộc hồn ta.

Vẫn yêu thương và say đắm thiết tha

Những niềm vui mà ta hằng ấp ủ

Vẫn sống lại trong lòng bao chuyện cũ

Những hy sinh thầm lặng vẫn chưa mờ

Rất hồn nhiên và cũng rất ngây thơ

Lòng ta đó và nụ cười... âu yếm.




Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

NHỮNG MẪU CHUYỆN RẤT NGẮN, RẤT HAY VỀ MẸ

Quà sinh nhật



Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...



Sầu Riêng



- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.

- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.

Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:

- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:

- Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con



Lời Con Trẻ



Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái nhỏ hỏi mẹ:
          - Sao mẹ đuổi bố?

- Tại bố hư! Để nó khỏi vặn vẹo hỏi lôi thôi, người mẹ mua cho cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em miếng bánh, bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc ré bắt đền.

Người mẹ dỗ dành:

- Anh này hư quá! Thôi con nín đi, bỏ qua cho anh một lần.

Đứa con phụng phịu:

-Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu!

Người mẹ nhìn xa xăm:

-Ừ, ra mẹ cũng hư!


Bông điên điển



Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.





Em tôi



 Bám đất Sài Gòn sau 3 năm sau khi ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Mấy “cua” dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “của cái Lan, nó dặn con dùng để phục hồi sức khỏe, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.

… Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…

Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.



Ngày xưa



Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn, nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.

Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."



Ca dao thương mẹ



Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc. Con ngoan, học giỏi... mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.

Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.
  

(Hiền Lương sưu tầm và xin giới thiệu cùng các bạn)




chỗ này