Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Sầu đông






      Sang đông u ám đất trời

Mà người xa cách buồn ơi là buồn!

      Sụt sùi trời cũng mưa tuôn

Chìm vào nỗi nhớ, thả hồn chơi vơi.

      Dòng sông bên lở, bên bồi

Trao lời hẹn ước để rồi chờ mong

      Hai bờ bên đục, bên trong

Bên kia em đợi, anh mong bên này.

 



Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)




        Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, xin chúc quý thầy-cô giáo luôn mạnh khỏe, thành đạt, hạnh phúc; luôn xứng đáng là KỸ SƯ TÂM HỒN, là "Tấm gương sáng cho học sinh noi theo"



Vài suy nghĩ về chữ Thầy qua lời ru của mẹ



Trong kho tàng ca dao-tục ngữ Việt Nam, có những câu được truyền dạy từ đời này sang đời khác, như khắc sâu trong tâm khảm của người dân Việt và đã trở thành truyền thống, bản sắc văn hóa qua lời ru của mẹ khi còn ở trong nôi. Đó vừa là lời răn dạy, vừa là sự tri ân của xã hội đối với công lao to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ của người thầy:

"Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

 Muốn sang thì bắc Cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Lời mẹ ru con, lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, kể lể của người mẹ bồng con đi dọc bờ sông vắng. Lời mẹ than cùng con, như một lời răn dạy, nhưng cũng chính là lời than của đời mẹ với giọng nghẹn ngào, uất ức. Muốn sang sông nhưng: "Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo".

 “Muốn sang thì bắc Cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Người ta có thể truyền trao kinh nghiệm sống, ứng xử, nhưng để có học thức, có vǎn hoá, có “chìa khóa” để mở cánh cửa tri thức, cánh cửa cuộc đời thì không thể thiếu được vai trò của người thầy. Trong mọi thời đại, người thầy đóng vai trò truyền tải tri thức loài người cho thế hệ đời sau, quyết định chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, quyết định sự tồn vong nền văn hóa-giáo dục của một quốc gia.
       “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, "Không thầy đố mày làm nên", thậm chí "dốt nát đến đâu, học lâu cũng biết". Muốn thành người, muốn chữ tốt vǎn hay ắt phải tìm đến với thầy. Muốn sang sông phải biết bắc cầu. Muốn học hành thành đạt, phải biết yêu quí sự uyên bác và lòng yêu trẻ của thầy. Người thầy rất xứng đáng được kính yêu vì là người chỉ đường, dẫn lối, giáo dục, giáo dưỡng mình hiểu biết, lao động, biết sống đẹp theo lẽ phải, biết luân thường đạo lý, biết tự khẳng định mình.
     Hai câu ca dao liên kết logic với nhau theo quan hệ điều kiện, nhân quả, tác động qua lại biện chứng. Từ "lấy" trong "lấy thầy" của câu ca dao biểu thị định hướng của hành động nhằm mang lại kết quả thiết thực. Tất nhiên, không phải là lấy được, lấy lệ mà là yêu quý tấm lòng cao cả của thầy; càng không phải là lấy lòng, làm cho vừa lòng thầy, nịnh thầy, “chạy” thầy để được điểm cao,  bằng cấp.
     Từ ngàn xưa, câu ca dao đó đã biến thành lời ru con của bà mẹ Việt Nam nghèo, nhưng luôn đặt cả niềm tin vào vị thế, vai trò của người dạy con mình. Theo quan niệm phong kiến, vị thế người thầy còn cao hơn cha, chỉ sau vua trong quan hệ: “Quân - Sư - Phụ”. Dù cho đời mẹ nghèo khổ, phải làm lụng vất vả đến đâu thì mẹ vẫn hy sinh tất cả cho con ăn học để vượt lên nghèo đói, lạc hậu, dốt nát; để trở thành con người có ích cho đời, cho xã hội; để đời con không lầm than, khổ cực như đời mẹ. Để đạt được điều đó, tất cả đều trông cậy vào người thầy. Muốn vậy, trước hết phải biết ơn người thầy, xem đây là sự khởi đầu về giáo dục đạo đức, đạo lý làm người. “Tôn sư trọng đạo”, “Lương sư vinh quốc”, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đó là triết lý tự nhiên giản đơn của đạo lý mà ai cũng cần phải hiểu.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong xã hội cũng còn một số người thầy chưa xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Ta phải biết gạn đục, khơi trong, không thể để “con sâu“ mà đánh đổ “nồi canh”được.
“Lương sư vinh quốc”. Càng được xã hội tôn vinh, người thầy cũng cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước thế hệ trẻ, trước trọng trách đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; là tấm gương sáng để học sinh noi theo và xứng đáng với sự ngưỡng mộ, tôn vinh của xã hội. Người thầy không những chỉ có dạy chữ mà còn dạy người. Vì vậy, người thầy phải yêu nghề, mến trẻ, toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Hơn ai hết, người thầy phải biết tu dưỡng, rèn luyện, tự học, tự rèn, tự nghiên cứu để truyền dạy tốt cả về tri thức và hun đúc tâm hồn cho thế hệ trẻ. Tất cả vì học sinh thân yêu, vì lương tâm và trách nhiệm của người thầy trước dân tộc, đất nước. Có như vậy, người thầy mới xứng đáng được nhân dân kính trọng, xã hội tôn vinh.

Lời ru của mẹ còn mãi trong ta như lời răn dạy, như lời tri ân tất cả những ai đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục-đào tạo, vì con người! Cho dù ta đi đâu, đến đâu, dù cho công thành danh toại, những lời ru đó luôn nhắc ta “Ăn quả nhớ người trồng cây”trong suốt hành trình của cuộc đời./.  
                                                                                                       Hiền Lương


 photo 1478288438_82f673e0f0_zpse5c8926f.jpg
Hình ảnh minh họa
Nguồn: Internet


 

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Vì sao..?






 Hình ảnh có tính chất trang trí
Nguồn: Internet


Vì sao biển mênh mông

Bầu trời cao lồng lộng ?

Vì sao từng con sóng

Ngàn năm mãi hôn bờ ?
                 *
             *      *
Vì sao anh yêu em

Như biển trào dâng sóng

Như trời cao, gió lộng

Em có hiểu vì sao..?
                 *
             *      *
Vì sao ta yêu nhau

Với tình yêu say đắm

Giữa phương trời xa thẳm

Anh vẫn tìm thấy em ?
                 *
             *      *
Vì sao và vì sao…?

Anh yêu em tha thiết !

                      


 





 photo e39080771bc8af5a13b5283e39a3c416_zps7b41e5ff.gif
chỗ này