Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Đông sang







Đông sang...



Buâng khuâng giọt nắng hanh hao
Hoàng hôn chầm chậm, xuyến xao cỏi lòng
Lạnh lùng, trời đã sang đông
Người xưa thương nhớ, vẫn mong, đợi chờ.

 



Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Hội ngộ 60 năm trường HSMN trên đất Bắc






        Hơn 20 năm, kể từ 1954 đến 1975, 28 trường học sinh miền Nam (HSMN) nội trú được thành lập với gần 4 vạn học sinh là con em đồng bào miền Nam thuộc nhiều dân tộc từ Bến Hải đến Cà Mau được học tập, rèn luyện trưởng thành từ những mái trường trên miền Bắc.
      Cuộc hội ngộ để kỷ niệm 60 năm trường HSMN trên đất Bắc là dịp để tri ân các Thầy-Cô-Chú và đồng bào miền Bắc đã cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng HSMN trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh. Đồng thời, đây là dịp để đánh giá những cống hiến, rút ra những bài học kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước; cũng là dịp để Thầy-Trò, anh chị em trao đổi tình cảm sau bao năm xa cách. Cuộc hội ngộ thật là cảm động, bùi ngùi, xao xuyến. Cho dù "Nước mắt dành cho ngày gặp mặt", nhưng cũng rất đỗi tự hào, hạnh phúc. Gặp lại nhau cho dù nay đầu đã bạc, răng đã long; nay thành cụ, thành ông, thành bà nhưng cái "chất HSMN" vẫn còn theo ta đi hết cuộc đời!
      Xin giới thiệu với các bạn một số ít hình ảnh:


 
Văn nghệ chào mừng





 


 


Một số hoạt động  


Vào Lăng viếng Bác

  


Một số hình ảnh ghi dấu kỷ niệm 

  Phủ Chủ tịch


Tòa nhà Quốc hội



Ao cá và nhà sàn của Bác


Trung tâm hội nghị Quốc gia - Mỹ Đình, Hà Nội
  






Bữa cơm thân mật do Thành ủy HN chiêu đãi




 Ngày ấy đâu rồi...? Cho ai tìm lại...
 (hình ảnh chụp được khi dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm)
 

Trên đường trở về Nam: Tháp đèn chim Lạc (Thanh Hóa)




  

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

“Hạt giống đỏ miền Nam”


(Bác Hồ về thăm HSMN ở Hải Phòng)



"Hạt giống đỏ miền Nam"

(Bài được đăng trên Báo GD&TĐ số đặc biệt cuối tháng 12/2014)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam còn phải đấu tranh đòi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải thi hành Hiệp định Giơnevơ để sau 2 năm tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Nam. Vì vậy, Cách mạng Việt Nam phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 
Hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục
Để thực hiện chiến lược con người, Bác Hồ và TW Đảng ta đã có chủ trương đưa con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc để đào tạo, chuẩn bị một đội ngũ cán bộ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chấn hưng đất nước sau khi thống nhất. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, vô cùng sáng suốt với tầm nhìn chiến lược về việc chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cách mạng miền Nam trong kháng chiến cũng như sau khi thống nhất đất nước của Bác Hồ và Trung ương Đảng ta.
Trong hơn 20 năm, kể từ 1954 đến 1975, 28 trường học sinh miền Nam (HSMN) nội trú được thành lập với gần 4 vạn học sinh là con em đồng bào miền Nam thuộc nhiều dân tộc từ Bến Hải đến Cà Mau được học tập, rèn luyện trưởng thành từ những mái trường trên miền Bắc. Đó là chưa kể do chiến tranh ác liệt, một số HSMN không học tập trung trong các trường nội trú mà theo học các trường khác trên khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc, nhưng vẫn hưởng chế độ HSMN.
Mô hình trường HSMN trên đất Bắc được đánh giá như một hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục. Trường HSMN là loại hình trường nội trú, đào tạo học sinh một cách toàn diện: đức, trí, thể, mỹ; thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn nhằm đào tạo con người "vừa hồng, vừa chuyên" như Bác Hồ đã dạy.
Đặc biệt, các trường HSMN có đội ngũ cán bộ, giáo viên được tuyển chọn, có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề nghiệp, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì học sinh thân yêu. Họ coi học sinh như con em của mình và coi việc chăm sóc, dạy bảo các em học sinh miền Nam là vinh dự, trách nhiệm và lương tâm đối với đồng bào miền Nam đang chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận để giành độc lập cho dân tộc, cho sự thống nhất Tổ quốc. Học sinh miền Nam coi nhà trường là mái ấm tình thương, thầy cô và những người phục vụ như cha mẹ, người thân trong gia đình; họ sống trong tình cảm chân thành, yêu thương, đùm bọc giữa thầy-trò và nhân dân miền Bắc.  
Sẳn sàng đi theo tiếng gọi Tổ quốc
HSMN coi việc học, rèn luyện là nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu hy sinh ở quê hương để cho họ được học tập, rèn luyện. Chính vì vậy, HSMN giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, trọng tình bạn, đoàn kết, thực hiện kỷ luật nghiêm, gắn bó keo sơn và trung thành với Đảng, sẳn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Những phẩm chất đó được hình thành từ mái trường, từ tình thương yêu của Đảng, Bác Hồ và đồng bào; là động lực giúp họ vượt qua mọi thử thách, học tập giỏi, rèn luyện tốt để xứng đáng với những tình cảm mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân đã giành cho họ. Đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển trong bài diễn văn Kỷ niệm 50 năm thành lập trường HSMN trên đất Bắc: "Trường HSMN là cái nôi bồi dưỡng chủ nghĩa nhân văn cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu CNXH; tình cảm gắn bó với Đảng và một lòng, một dạ bảo vệ Đảng; tinh thần đòan kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp; tinh thần say mê học tập, cầu tiến bộ; đức hy sinh quên mình... " 
Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng đối với đồng bào miền Nam, hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chắt chiu, nuôi dạy những người con của đồng bào miền Nam với khẩu hiệu : "tất cả vì miền Nam ruột thịt" như là một mệnh lệnh, lương tâm và trách nhiệm ! Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ thôi thúc HSMN học giỏi, rèn luyện tốt; tạo nên phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người HSMN trước những khó khăn thách thức.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, phần lớn HSMN đã được tiếp tục đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Một số theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trở về miền Nam để trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương. Trong số đó, rất nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, những nhà văn, nhà thơ, những nhà chính trị, kinh tế... góp phần cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Và cũng rất nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, hầu hết HSMN đều trở về để xây dựng quê hương, tham gia trên mọi lĩnh vực công tác. Nhiều HSMN đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ nòng cốt trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các cơ sở khoa học, kinh tế- xã hội từ Trung ương đến địa phương. 
Bài học từ mô hình giáo dục trường HSMN
Qua nhiều cuộc hội thảo kỷ niệm 60 năm trường HSMN trên đất Bắc, đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Đó là bài học về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho mục tiêu lâu dài của cách mạng; bài học về giáo dục tòan diện, học đi đôi với hành, nhất là giáo dục về lý tưởng, về phẩm chất đạo đức và lòng nhân ái; bài học về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đặc biệt là lương tâm, trách nhiệm đối với thế hệ trẻ; bài học về xây dựng mô hình trường nội trú, về phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh trong họat động giáo dục; bài học về xã hội hóa giáo dục...
Những bài học đó, nay vẫn còn nguyên giá trị và cần phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong nhà trường, trong họat động giáo dục.
Nhìn lại 60 năm qua, những HSMN năm xưa nay hầu hết đã già, đã nghỉ hưu, nhiều người đã chiến đấu hy sinh trên mặt trận, nhưng dù ở lĩnh vực nào, cuộc đời của họ luôn trung thành với Đảng, gắn bó với nhân dân; sống có nghĩa, có tình, có trước, có sau; luôn biết ơn thầy cô, nhân dân miền Bắc đã thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục, cưu mang trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dù ở cương vị nào, họ luôn luôn phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của mình, đóng góp sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc kháng chiến cũng như xây dựng đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Họ luôn luôn xứng đáng danh hiệu "hạt giống đỏ" của cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã gieo trồng./.
                                                                                                                         Hiền Lương
                                                    (12/2014)



 

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Vịnh hồ thu








Bàng bạc sương giăng kín mặt hồ

Lưa thưa liễu rũ buông mành tơ

Gió đưa gờn gợn, lăn tăn sóng

Một thoáng thu về, sao ngẩn ngơ..?




Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Hãy cuốn xéo mau, chớ cắn càn!



 

 






 Lãnh thổ thiêng liêng của nước Nam
Lũ quân bành trướng lắm tham tàn
Biển đông chúng muốn ao nhà hắn
Miệng cứ hô vang "Tám chữ vàng".

Lịch sử ngàn năm dân nước Việt

Chôn vùi xâm lược quân ngoại bang.

Này, này ta bảo cho mà biết:

Hãy cuốn xéo mau, chớ cắn càn!

 (Ảnh tư liệu trên Internet)

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

 
Những ngày gần đây, Biển Đông lại dậy sóng với sự ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều học giả trong nước và quốc tế đã đưa ra những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

HL sưu tầm và giới thiệu với các bạn bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh (Phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng) về vấn đề này.


Tập Atlas Thế giới của nhà địa lý học kiệt xuất người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795–1869), thành viên Hội địa lý Paris, được xuất bản năm 1827 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Chủ quyền không thể chối cãi
Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước. Có nghĩa là, nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước.
Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước.
Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo qua các triều đại đều có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam trong thời kỳ Lê-Trịnh (1592-1788), đã chứng kiến sự mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Trong thời kỳ này, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập và đi vào quản lý, khai thác một cách đồng bộ vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự.
Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã bị một số quốc gia trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của Luật Biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.
Điều này, đã dẫn đến hệ quả là cuộc đấu tranh trên các phương diện bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế, luật pháp quốc gia và phương diện ngoại giao nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài nhưng oanh liệt, khó khăn và rất phức tạp.
Quốc tế thừa nhận
Thực tế cũng cho thấy, một số hội nghị quốc tế diễn ra trong thế kỷ XX, đã đương nhiên thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1943, bối cảnh chung của thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Để xem xét một số vấn đề quan trọng của thế giới có liên quan đến biên giới lãnh thổ, đại diện ba nước Anh, Mỹ và Trung Quốc (Cộng hòa Trung Hoa) đã nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) ngày 27/11/1943, mà lịch sử gọi là Hội nghị tam cường Anh-Mỹ-Trung.
Hội nghị này kết thúc đã đưa ra được Tuyên bố chung, trong tuyên bố có đoạn viết: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất năm 1914, và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa.”
Như vậy, lãnh thổ của Trung Quốc đã được phân định rõ, không có gì liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Tuyên bố Cairo đã không đề cập đến chủ quyền của quốc gia nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ XVII đã có những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam.
Tiếp đến, vào năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai dần dần đi vào kết thúc, thế giới có nhiều việc phải làm đối với các cường quốc thắng trận như vấn đề lãnh thổ, phân chia phạm vi ảnh hưởng…
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc ở mặt trận châu Âu, tháng 7/1945, đại diện ba nước lớn là Anh, Mỹ và Liên Xô đã tổ chức nhóm họp tại Postdam của Đức. Hội nghị Postdam đã ra Tuyên bố chung ngày 26/7/1945, ấn định thể thức giải giáp quân đội Nhật Bản sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc.
Đối với Việt Nam, để giải giáp quân đội Nhật, ba nước Anh-Mỹ-Liên Xô đã quyết định chia Việt Nam thành 2 khu vực từ vĩ tuyến 16.
Theo đó, phía Trung Quốc do phái đoàn Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng) có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tọa lạc tại vĩ tuyến 16: nhóm Lưỡi Liềm phía Tây Nam tại vĩ độ 16 độ 30’ Bắc và nhóm An Vĩnh phía Đông Bắc tại vĩ độ 16 độ 50’ Bắc. Trong khi đó, quân đội Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, kể cả quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến từ 12 độ đến 7 độ Bắc, tính từ Cam Ranh xuống tỉnh Cà Mau.
Từ 4-8/9/1951, Hội nghị San Francisco được tổ chức, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn cũng được mời tham gia hội nghị.
Trong phiên họp toàn thể thứ hai của hội nghị San Francisco (ngày 5/9/1951), đại biểu Liên Xô là Andrei A. Gromyko đã chỉ trích tính bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh. Trên thực tế không chỉ riêng Anh mà Mỹ cũng đưa ra những ý kiến bất hợp lý.
Đó là việc Mỹ đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó, có điểm thứ 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với 48 phiếu chống vì chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc về Nhà nước Việt Nam từ lâu.
Tuyên bố chủ quyền
Tại San Francisco năm 1951, phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã ra tuyên bố xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam.”
Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản.
Về khía cạnh pháp lý, việc công bố khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cho thấy từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới đương nhiên thừa nhận là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sự kiện 92% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị tuyệt đối phù hợp với luật pháp quốc tế, buộc các quốc gia khác phải thừa nhận, kể cả đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ không tham dự Hội nghị như Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Việc hòa ước San Francisco tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) tự nó đã bao hàm ý nghĩa không công nhận chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Tại khoản f quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel).”
Rõ ràng, việc phái đoàn Việt Nam đưa ra quyên bố chủ quyền là sự kiện hết sức quan trọng. Đây được xem là cơ sở pháp lý để Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như đưa vào hồ sơ pháp lý để đấu tranh với các bên có yêu sách tại tòa án quốc tế./.
                                                                                              Theo Vietnam+



Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bản tuyên ngôn độc lập bất hủ


  
(Tượng đài Người anh hùng chống giặc ngoại xâm Lý Thường Kiệt)

Tượng đài Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt

Nguồn: Internet





Nam quốc sơn hà



Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà ngịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư



Bản dịch:

Sông núi nước Nam


Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Bài thơ của Lý Thường Kiệt là một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, là lời tuyên bố đanh thép khẳng định chủ quyền lãnh thổ nước Nam. Bài thơ còn thể hiện ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. 

          Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển đông, Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, HL sưu tầm bài thơ của Lý Thường Kiệt - Bản Tuyên ngôn độc lập- để các bạn tham khảo và mong được nhận được bình luận của các bạn.











 
                      (Nguồn hình ảnh: Internet)








Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Tìm Anh nơi nao?











Chiến thắng rồi, bao người trở lại

Chỉ còn Anh vẫn mãi không về..?

Tìm Anh lặn lội sơn khê

Chờ Anh, đầu bạc, ê chề gió sương.

                                                

Ngày ngóng cửa, mẹ già mòn mỏi

Nhớ thương Anh quặn nhói tâm can

Bụi đời phủ lấp thời gian

Bạc phơ mái tóc, hơi tàn... Anh ơi!



Đêm năm canh nhớ thương khôn xiết

Ngày sáu khắc mãi miết ngóng tin

Mà sao Anh vẫn im lìm

Anh ơi, em biết đi tìm nơi nao..?
                                               


Sau chiến thắng năm 1975, còn bao nhiêu người con còn nằm lại chiến trường mà đến nay vẫn bặt âm vô tính? Bao nhiêu người mẹ, người vợ, người con đang mòn mỏi đợi trông các Anh trở về dù chỉ là nắm xương tàn! Nhưng than ôi! Các Anh đã mãi mãi hòa mình vào lòng đất Mẹ!
Bài thơ là cảm xúc, suy nghĩ về 1 góc khuất sau khi xem phóng sự đi tìm đồng đội trên VTV.
 

 


Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Đôi mắt Em







Đôi mắt của em thật dịu hiền
Vui như sóng biển hát triền miên.
Em cười mà ngỡ bình minh dậy
Đôi môi nở nụ hé chân thiên.

chỗ này