Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Đôi mắt Em







Đôi mắt của em thật dịu hiền
Vui như sóng biển hát triền miên.
Em cười mà ngỡ bình minh dậy
Đôi môi nở nụ hé chân thiên.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Vài suy nghĩ về “TỨ ĐỨC”








Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3:

Vài suy nghĩ về “TỨ ĐỨC” 
của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay





         Cha ông ta ngày xưa quan niệm phầm chất của người phụ nữ phải đảm bảo 4 tiêu chí, gọi là “tứ đức”, gồm: Công - dung - ngôn - hạnh. Đây vừa là thước đo đức hạnh của người phụ nữ, vừa là mục đích hướng đến, vừa động lực phấn đấu và là tiêu chí để khẳng định giá trị của người phụ nữ trong xã hội.
“Công” là sự khéo léo của người phụ nữ trong việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái và giỏi về nữ công gia chánh, tề gia nội trợ.

 “Dung” là diện mạo, hình thức bên ngoài; là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp bên trong.

 “Ngôn” là ăn nói có duyên, dịu dàng, thùy mị, nết na, đúng mực, lễ độ, biết lễ giáo gia phong, thể hiện là con nhà gia giáo.

 “Hạnh” là sự thể hiện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ: Vị tha, độ lượng, nhân ái, yêu chồng, thương con, biết kính trên, nhường dưới, hiếu thảo.

 Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, qua các thời đại khác nhau, “tứ dức”: Công - dung - ngôn - hạnh đã trở thành nét đẹp truyền thống thể hiện bản sắc của người phụ nữ Việt Nam. Qua hàng nghìn năm đô hộ giặc Tàu, trăm năm đô hộ của giặc Tây, nhưng những truyền thống tốt đẹp đó của người phụ nữ Việt Nam không bị mai một mà trái lại càng trong sáng hơn, bổ sung, hoàn thiện hơn. Những phẩm chất đó mang tính chất truyền thống, bản sắc riêng của người phụ nữ Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã được Đảng, Bác Hồ tặng tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang cũng đã nói lên phần nào về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đó.

Trong thời đại ngày nay, khi đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thước đo giá trị của người phụ nữ hiện đại cũng phải được bổ sung, mở rộng cho phù hợp sự phát triển đất nước, phù hợp với tiến bộ xã hội và tiến trình lịch sử.

 Ngày xưa, “công” trong “tứ đức” chỉ bó hẹp trong không gian gia đình, gia tộc, làng, xóm. Ngoài việc tề gia, nội trợ, người phụ nữ ngày nay còn gánh vác công việc xã hội, nên phải biết giao lưu, năng động, sáng tạo trong công việc; tích cực tham gia các hoạt động xã hội để có thể vừa “giỏi việc nước” vừa “đảm việc nhà”.

Chữ “Dung” ngày nay, không những chỉ thể hiện vẻ đẹp hình thể bên ngoài mà phải còn thể hiện tâm hồn trong sáng bên trong. Ngoài cách ăn mặc, trang điểm cho phù hợp đặc thù công việc, phụ nữ ngày nay cần thể hiện sự năng động, tự tin, cởi mở, hòa đồng, có văn hóa,...

Do nhu cầu về giao lưu, tiếp xúc, hội nhập nên quan niệm về “ngôn” của người phụ nữ thời nay cũng cần phù hợp; nói năng lịch thiệp, xã giao khôn khéo, dịu dàng, văn minh, ứng xử thông minh, tinh tế; thể hiện vốn học thức, trình độ văn hóa, bản sắc văn hóa.

Trong chữ “hạnh”, bên cạnh sự cần thiết phải giữ nguyên những phẩm chất cơ bản, truyền thống như: Nhân ái, chung thủy, yêu chồng, thương con… người phụ nữ hiện nay còn phải là một công dân tốt, biết tiếp thu tri thức tiên tiến, hiểu nhiều, biết rộng; có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; biết hy sinh, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, không mặc cảm, tự ti, vô cảm...

Như vậy, về phẩm chất người phụ nữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở “tứ đức”, nhưng nội hàm của từng tiêu chí được bổ sung, mở rộng cho phù hợp với tiến bộ của xã hội, của thời đại. Sự bổ sung, phát triển ấy phải trên cơ sở nền tảng những giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Tuy nhiên, hiện nay của một bộ phận phụ nữ (nhất là giới trẻ) do chạy theo lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, buông thả, thiếu tự lập nên những nét đẹp truyền thống đó đang bị mai một, biến tướng. Nhiều phụ nữ không thích nội trợ, thậm chí không biết nấu nướng món ăn truyền thống... Một số phụ nữ thì chỉ chú ý đến vẻ đẹp ngoại hình, bề ngoài, chỉ thích phấn son, chưng diện để thể hiện sự “sành điệu” của mình; ít chú ý đến cách nói năng, cư xử, ăn nói cộc lóc, thiếu dịu dàng, tế nhị, không chào hỏi phải phép, không biết kính trên, nhường dưới, thậm chí vô cảm...

Những biểu hiện lệch lạc trong lối sống xa rời những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của một bộ phận phụ nữ đó cần phải được uốn nắn, điều chỉnh từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp, các ngành cần phải quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục thuần phong, mỹ tục, những chuẩn mực đạo đức để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.  

Hơn bao giờ hết, trong xu thế hội nhập hiện nay, “tứ đức” của người phụ nữ cần phải được trân trọng, giữ gìn, bổ sung và phát huy mạnh mẽ để tạo nên một nét đặc trưng, thể hiện cốt cách riêng của người phụ nữ  Việt Nam./. 
chỗ này