(Bác Hồ về thăm HSMN ở Hải Phòng)
"Hạt giống đỏ miền Nam"
(Bài được đăng trên Báo GD&TĐ số đặc biệt cuối tháng 12/2014)
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký
kết năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn giải
phóng, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam còn phải đấu tranh đòi đế
quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải thi hành Hiệp định Giơnevơ để sau 2 năm tổ chức
tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã thực hiện âm mưu chiếm
đóng lâu dài miền Nam. Vì vậy, Cách mạng Việt Nam phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm
vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc
và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục
Để thực hiện chiến lược con
người, Bác Hồ và TW Đảng ta đã có chủ trương đưa con em cán bộ miền Nam ra miền
Bắc để đào tạo, chuẩn bị một đội ngũ cán bộ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước và chấn hưng đất nước sau khi thống nhất. Đây là một chủ trương hết
sức đúng đắn, vô cùng sáng suốt với tầm nhìn chiến lược về việc chuẩn bị lực
lượng lâu dài cho cách mạng miền Nam trong kháng chiến cũng như sau khi thống
nhất đất nước của Bác Hồ và Trung ương Đảng ta.
Trong hơn 20
năm, kể từ 1954 đến 1975, 28 trường học sinh miền Nam (HSMN) nội trú được thành
lập với gần 4 vạn học sinh là con em đồng bào miền Nam thuộc nhiều dân tộc từ
Bến Hải đến Cà Mau được học tập, rèn luyện trưởng thành từ những mái trường
trên miền Bắc. Đó là chưa kể do chiến tranh ác liệt, một số HSMN không học tập
trung trong các trường nội trú mà theo học các trường khác trên khắp các tỉnh,
thành phố miền Bắc, nhưng vẫn hưởng chế độ HSMN.
Mô hình trường HSMN trên đất Bắc
được đánh giá như một hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục. Trường HSMN là
loại hình trường nội trú, đào tạo học sinh một cách toàn diện: đức, trí, thể, mỹ; thực hiện nguyên lý
giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục
kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn nhằm đào tạo
con người "vừa hồng, vừa
chuyên" như Bác Hồ đã dạy.
Đặc biệt, các trường HSMN có đội
ngũ cán bộ, giáo viên được tuyển chọn, có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với
nghề nghiệp, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì học sinh thân yêu. Họ coi học sinh
như con em của mình và coi việc chăm sóc, dạy bảo các em học sinh miền Nam là
vinh dự, trách nhiệm và lương tâm đối với đồng bào miền Nam đang chiến đấu, hy
sinh ngoài mặt trận để giành độc lập cho dân tộc, cho sự thống nhất Tổ quốc.
Học sinh miền Nam coi nhà trường là mái ấm tình thương, thầy cô và những người
phục vụ như cha mẹ, người thân trong gia đình; họ sống trong tình cảm chân
thành, yêu thương, đùm bọc giữa thầy-trò và nhân dân miền Bắc.
Sẳn sàng đi theo tiếng gọi Tổ quốc
HSMN coi việc học, rèn luyện là
nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu hy sinh ở quê
hương để cho họ được học tập, rèn luyện. Chính vì vậy, HSMN giàu tình cảm, giàu
lòng nhân ái, trọng tình bạn, đoàn kết, thực hiện kỷ luật nghiêm, gắn bó keo
sơn và trung thành với Đảng, sẳn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Những
phẩm chất đó được hình thành từ mái trường, từ tình thương yêu của Đảng, Bác Hồ
và đồng bào; là động lực giúp họ vượt qua mọi thử thách, học tập giỏi, rèn
luyện tốt để xứng đáng với những tình cảm mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân đã giành
cho họ. Đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh
Hiển trong bài diễn văn Kỷ niệm 50 năm thành lập trường HSMN trên đất Bắc:
"Trường HSMN là cái nôi bồi dưỡng
chủ nghĩa nhân văn cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu CNXH; tình cảm gắn bó với
Đảng và một lòng, một dạ bảo vệ Đảng; tinh thần đòan kết, thương yêu đồng chí,
đồng nghiệp; tinh thần say mê học tập, cầu tiến bộ; đức hy sinh quên mình...
"
Xuất phát từ tình cảm thiêng
liêng đối với đồng bào miền Nam, hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng
bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, chắt chiu, nuôi dạy những người con
của đồng bào miền Nam với khẩu hiệu : "tất
cả vì miền Nam ruột thịt" như là một mệnh lệnh, lương tâm và trách
nhiệm ! Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ thôi thúc HSMN học
giỏi, rèn luyện tốt; tạo nên phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người HSMN trước những
khó khăn thách thức.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông,
phần lớn HSMN đã được tiếp tục đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung
học chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Một số theo tiếng gọi thiêng liêng của
Tổ quốc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước" trở về miền Nam để trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương. Trong
số đó, rất nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, những nhà văn,
nhà thơ, những nhà chính trị, kinh tế... góp phần cho sự nghiệp kháng chiến và
kiến quốc. Và cũng rất nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền
Nam.
Đặc biệt, sau ngày miền Nam hoàn
toàn giải phóng 30/4/1975, hầu hết HSMN đều trở về để xây dựng quê hương, tham
gia trên mọi lĩnh vực công tác. Nhiều HSMN đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp,
cán bộ nòng cốt trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các cơ sở khoa
học, kinh tế- xã hội từ Trung ương đến địa phương.
Bài học từ mô hình giáo dục trường HSMN
Qua nhiều cuộc hội thảo kỷ niệm 60 năm trường HSMN trên đất Bắc, đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Đó là
bài học về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho
mục tiêu lâu dài của cách mạng; bài học về giáo dục tòan diện, học đi đôi với
hành, nhất là giáo dục về lý tưởng, về phẩm chất đạo đức và lòng nhân ái; bài
học về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính
trị cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đặc biệt là lương tâm, trách
nhiệm đối với thế hệ trẻ; bài học về xây dựng mô hình trường nội trú, về phát
huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh trong họat động giáo dục; bài
học về xã hội hóa giáo dục...
Những bài học đó, nay vẫn còn
nguyên giá trị và cần phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong nhà trường, trong họat
động giáo dục.
Nhìn lại 60 năm qua, những HSMN năm
xưa nay hầu hết đã già, đã nghỉ hưu, nhiều người đã chiến đấu hy sinh trên mặt
trận, nhưng dù ở lĩnh vực nào, cuộc đời của họ luôn trung thành với Đảng, gắn
bó với nhân dân; sống có nghĩa, có tình, có trước, có sau; luôn biết ơn thầy cô, nhân
dân miền Bắc đã thương yêu, nuôi dưỡng, giáo dục, cưu mang trong những năm
tháng chiến tranh ác liệt. Dù ở cương vị nào, họ luôn luôn phát huy bản chất,
truyền thống tốt đẹp của mình, đóng góp sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm trên tất
cả các lĩnh vực trong công cuộc kháng chiến cũng như xây dựng đất nước sau ngày
miền Nam hoàn toàn giải phóng. Họ luôn luôn xứng đáng danh hiệu "hạt giống đỏ" của cách mạng mà
Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã gieo trồng./.
Hiền Lương
(12/2014)